Đề án xuất khẩu lao động có bằng cấp cao: Liệu có khả thi?
Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đang xây dựng đề án "Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025" để trình Chính phủ.
Lao động đi xuất khẩu đều phải được bồi dưỡng về ngoại ngữ, tay nghề, văn hóa, hoặc đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với thị trường tiếp nhận.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đề án này chưa chắc đã giải quyết được triệt để tình trạng thừa lao động có trình độ đại học, cao đẳng đang thất nghiệp hiện nay.
Hướng đi mới...
Mục tiêu của đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động, tìm hướng giải quyết việc làm cho số lao động đã qua đào tạo đang thất nghiệp hoặc chưa có việc làm ổn định. Đây là hướng đi mới, không chỉ đem lại cơ hội việc làm mà còn góp phần nâng cao vị thế của lao động Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện nhiều nước trong và ngoài khu vực đang cần nguồn lao động chất lượng cao và có chính sách khuyến khích tiếp nhận. Tuy nhiên, đề án cũng đặt rõ mục tiêu thương thảo với các đối tác, dựa trên nhu cầu sẽ mở từng thị trường chứ không thể mở đồng loạt.
Cụ thể, đề án dự kiến sẽ định hướng đưa lao động ngành điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và Đức. Lao động trong ngành công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, sinh học, nông nghiệp sang làm việc tại Nhật Bản. Đối với lao động trong lĩnh vực cơ khí có thể sang làm việc tại Hàn Quốc và một số nước châu Âu, Trung Đông. Lao động trong ngành đầu bếp, công nghệ thông tin, điện tử đi lao động tại Hàn Quốc. Ngoài những thị trường trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đang xúc tiến khai thác các thị trường mới như Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel...
... Nhưng khó thực hiện
Vài năm gần đây, Bộ lao động – Thương binh và Xã hội bắt đầu đưa những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nhóm ngành điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc ở Đức, Nhật Bản và lao động kỹ thuật có bằng cấp chuyên môn sang Hàn Quốc theo chương trình Visa E7. Tuy nhiên, số lượng lao động đi theo những chương trình này còn rất hạn chế.
Lý do là ngoài yêu cầu rất khắt khe của các thị trường trên, người lao động bên cạnh yêu cầu về sức khỏe, tay nghề, kĩ năng còn phải đáp ứng được các tiêu chí về ngoại ngữ, ứng xử, tác phong làm việc. Tương tự như lao động phổ thông, lao động đã qua đào tạo đại học, cao đẳng muốn tham gia vào các chương trình xuất khẩu lao động đều phải được hỗ trợ bồi dưỡng về ngoại ngữ, tay nghề, văn hóa, hoặc đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với thị trường tiếp nhận.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về việc triển khai đề án, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã tỏ ra khá băn khoăn. Theo ông Nguyễn Nhật Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phát triển nguồn nhân lực Vietsources, nếu chỉ dựa vào con số 200.000 cử nhân đại học, cao đẳng đang dư thừa ở Việt Nam, không thể khẳng định, sẽ xuất khẩu được nguồn lao động chất lượng cao này. Bởi con số 200.000 cử nhân này không đồng nghĩa với việc sẽ có 200.000 lao động trình độ cao, có chất xám. Từ con số lao động này, nếu muốn xuất khẩu được chúng ta phải sàng lọc và đào tạo thêm về kỹ năng và ngoại ngữ may ra mới đáp ứng đủ điều kiện của nhà tuyển dụng.
Đồng ý kiến với ông Nam, ông Trần Văn Lục, Giám đốc Công ty Xuất khẩu nhân lực Ngày Mai (Tomorrow) cho biết thêm, mỗi năm, số lượng điều dưỡng, hộ lý đi làm việc ở Nhật Bản, Đức chỉ khoảng 300-400 người. Số lao động có trình độ cao, có chứng chỉ quốc tế làm việc ở các công ty nước ngoài cũng rất ít. Khi tham gia vào thị trường lao động quốc tế, không thể nói chúng ta có gì mà phải xem thị trường đó cần gì. Công ty chúng tôi vừa tiếp nhận một đơn hàng từ Trung Đông, gồm những ngành nghề như thiết kế web, chế tạo, lắp ráp linh kiện điện tử... với số lượng lao động khá lớn. Khi nhìn vào yêu cầu tuyển dụng, chúng tôi đã phải chọn lọc từ ngành nghề có mức lương thấp nhất mà vẫn không thể tuyển đủ số lượng. Xét từ nhu cầu tuyển dụng, chúng tôi thấy khả năng đáp ứng về chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn rất thấp. Thậm chí đối với các thị trường lao động chất lượng cao như làm điều dưỡng ở Nhật, Đức thì kể cả khi đưa lao động có trình độ sang vẫn phải đào tạo lại mới đáp ứng được nhu cầu của công việc.
Bà Thái Thị Lan, Phó giám đốc Công ty Tư vấn và Nhu cầu nhân lực IIC cho hay, Công ty chúng tôi thường xuyên nhận được các đơn hàng xuất khẩu lao động sang thị trường Singapore, tuy nhiên chưa bao giờ công ty cung cấp được đủ số lượng lao động. Chỉ có thể đáp ứng được số lượng lao động phổ thông, nghề đơn giản. Vì vậy, theo tôi việc xuất khẩu lao động chất lượng cao chỉ khả thi khi chính các đối tác tuyển dụng đó vào Việt Nam đầu tư, sau một thời gian thì đưa lao động của chính công ty họ ra nước ngoài làm việc. Như vậy, lao động vừa có thu nhập cao, vừa được nâng cao tay nghề. Chúng tôi cũng đã thử đưa ra các mức lương và đãi ngộ hấp dẫn để lôi kéo lao động chất lượng cao đi xuất khẩu lao động nhưng hầu như họ đều từ chối. Bởi tuy lương có cao nhưng tương lai sau 3-5 năm làm việc ở nước ngoài khi về nước họ sẽ phải đối mặt với tình trạng không có công ăn việc làm. Vì vậy việc tuyển dụng cũng rất khó khăn.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong năm 2016 Việt Nam đã đưa 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, đứng đầu là thị trường Đài Loan (TQ ) có hơn 68.000 người (hơn 50%), tiếp theo là Nhật Bản với gần 40.000 lao động (khoảng 30%). Năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 105.000 lao động đi các thị trường trọng điểm là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu lao động chất lượng cao sang các thị trường.
Nguồn: baohaiquan.vn
Bài liên quan